Trang chủ / Vũ Trụ Bỉm Sữa / Dinh dưỡng cho mẹ bầu theo từng giai đoạn của chu kỳ

Dinh dưỡng cho mẹ bầu theo từng giai đoạn của chu kỳ


Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu theo từng giai đoạn của chu kỳ.

Dưới đây là những lưu ý quan trọng về việc mẹ bầu nên ăn gì khi mang thai theo từng giai đoạn tam cá nguyệt của thai kỳ.

1. Dinh dưỡng trong 3 tháng đầu (Tam cá nguyệt thứ 1)

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mẹ nên bổ sung thực phẩm giàu chất sắt để tránh bị hoa mắt, chóng mặt. Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm: thịt gà, các loại đậu, rau xanh đậm. Mẹ có thể bổ sung thêm vitamin C từ họ cam, bông cải xanh, ớt chuông xanh để tăng cường khả năng hấp thụ sắt. Nếu cơ thể mẹ bị thiếu sắt bác sĩ sẽ yêu cần bổ sung sắt bằng viên uống.

Nếu trước khi mang thai mẹ bầu chưa bổ sung acid folic thì từ ngày đầu tiên biết mình mang thai cần bổ sung ngay. Liều lượng khuyến cáo là 400 mcg/ngày. Bên cạnh đó, sắt và canxi cũng cần được tăng cường trong suốt 9 tháng mang thai nhằm tránh thiếu máu và loãng xương cho mẹ về sau. Bà bầu có thể sử dụng loại vitamin tổng hợp, trong thành phần có chứa acid folic, sắt, canxi theo chỉ định của bác sĩ.

Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, nhiều trường hợp mẹ bầu bị ốm nghén, luôn cảm thấy khó chịu, thậm chí buồn nôn mỗi khi nhìn thấy thức ăn. Nhưng vì đây là giai đoạn hầu hết các cơ quan quan trọng của phôi được hình thành, nên dù không ăn được nhiều, mẹ bầu vẫn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất bằng cách ăn uống đa dạng thực phẩm, đặc biệt ăn nhiều rau xanh, trái cây…

Mẹ cần bổ sung các thực phẩm giàu kẽm (gan, hải sản như hàu, sò…), chứa nhiều đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, các loại đậu, phô mai…), thực phẩm giàu sắt (gan, huyết…). Ngoài ra, mẹ cần phải tăng cường thêm rau, khoai, củ, trái cây tươi với số lượng tối thiểu là 300gr nhằm phòng chống táo bón và biến chứng táo bón trong thai kỳ. Bổ sung nhiều rau, trái cây trong bữa ăn, chọn món ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất từ các loại hạt, trái cây sấy khô và giảm các đồ ăn nhiều calo, đồ ngọt, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Mẹ có thể bổ sung thêm các loại nước từ nước trái cây tươi, súp, canh. Lượng sữa ít béo giàu canxi tăng lên 3-4 ly/ngày.

Thai nhi trong giai đoạn này rất nhạy cảm với các tác nhân từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, rượu, thuốc, chất kích thích, hóa chất… Do đó, bà bầu cần kiêng sử dụng hay tiếp xúc với những chất này và thiết lập cũng như duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh khi mang thai.

Việc uống thuốc chữa bệnh trong 3 tháng đầu cần đặc biệt lưu ý theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Trên thực tế, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra như mẹ tự ý dùng thuốc kháng sinh khi bị cảm trong 3 tháng đầu hay nhiễm virus Rubella khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh… Để giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, mẹ bầu nên tiêm phòng trước khi mang thai và trong thai kỳ đầy đủ, đồng thời hạn chế đến chỗ đông người.

2. Dinh dưỡng trong 3 tháng giữa (Tam cá nguyệt thứ 2)

Khẩu phần giữa các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày của phụ nữ mang thai trong giai đoạn này bắt đầu có sự thay đổi đáng kể. Ngoại trừ nhóm muối, đường và dầu mỡ, những nhóm thực phẩm khác được biểu thị trên tháp dinh dưỡng dành cho bà bầu cũng cần được bổ sung nhiều vào chế độ ăn thường ngày. Trong khi đó, khẩu phần ăn của các nhóm thực phẩm chứa đạm, rau quả và ngũ cốc sẽ cần tăng thêm một đơn vị, và tăng thêm 2 đơn vị cho nhóm sữa trong tháp dinh dưỡng.

Đây là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong hành trình 9 tháng 10 ngày mang thai, đa số bà bầu không còn bị cảm giác ốm nghén nên việc ăn uống cảm thấy ngon miệng hơn. Về phía thai nhi, lúc này hệ xương phát triển mạnh, não bộ và các cơ quan cũng dần hoàn thiện chức năng. Do đó ngoài acid folic, sắt, canxi, bà bầu cần bổ sung thực phẩm có chứa kẽm, liều lượng 20mg/ngày. Việc thiếu kẽm khiến thai nhi nhẹ cân, chiều cao thấp, dị tật…

Mẹ cũng nên ăn những loại thức ăn có chứa nhiều vitamin A, B1, B2, B6, B9, PP, B12, C, D, E có trong nhiều loại rau, củ quả đa dạng màu sắc. Ăn nhiều thức ăn có chứa protein phong phú như: thịt nạc, cá, sữa, trứng gà, các sản phẩm chế biến từ đậu. Mẹ không nên bỏ bữa hay nhịn ăn, ít nhất là sau 4 giờ đồng hồ mẹ cần nạp thức ăn vào cơ thể để ngăn ngừa chứng buồn nôn, ợ nóng, mệt mỏi và buồn ngủ

Mẹ bầu không nên có suy nghĩ phải ăn gấp đôi, gấp 3 bình thường để “con to” bởi lúc này thai nhi vẫn chưa bước sang thời kỳ “bứt phá” về cân nặng (đến 26 tuần tuổi, thai nhi chỉ mới nặng khoảng 900g). Theo khuyến cáo, trong 3 tháng giữa của thai kỳ, mẹ bầu chỉ cần tăng khẩu phần ăn lên tương đương khoảng 300 – 400 kcal/ngày (bằng 2 chén cơm trắng hoặc 2 ly sữa).

Nếu ăn uống quá nhiều, mẹ tăng cân quá mức không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, tâm lý sau sinh mà còn tăng nguy cơ tiểu đường, tắng huyết áp, tiền sản giật trong thai kỳ.

3. Dinh dưỡng trong 3 tháng cuối (Tam cá nguyệt thứ 3)

Mẹ bầu cần tăng thêm 1 đơn vị trong khẩu phần ăn dầu mỡ của mình. Ngoài ra, tăng thêm 3 đơn vị cho nhóm thực phẩm chứa đạm và sữa. Đối với nhóm trái cây và rau xanh sẽ được tăng thêm một đơn vị cho mỗi loại. Cuối cùng, tăng 1,5 đơn vị cho ngũ cốc và 2 đơn vị cho nước.

Phụ nữ cho con bú sẽ cần nhiều nước và ngũ cốc hơn so với những người khác, và khẩu phần của mỗi loại sẽ được tăng thêm lần lượt là 3 đơn vị và 2,5 đơn vị. Lúc này, khẩu phần về sữa sẽ tăng thêm 3,5 đơn vị và thực phẩm chứa đạm cũng sẽ tăng lên 2 đơn vị.

Giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc về cân nặng của thai nhi. Để thai nhi tăng cân tốt, mẹ bầu cần chú ý đến tăng khẩu phần khoảng 400 kcal/ngày.

Lúc này, mẹ bầu cần bổ sung vitamin C cho cơ thể, nhằm hấp thụ sắt và canxi tốt hơn đồng thời tránh nguy cơ vỡ ối và sinh non (do thiếu vitamin C).

Vào 3 tháng cuối, do sự thay đổi hormone và thai nhi lớn gây áp lực lên vùng chậu và bàng quang khiến mẹ bầu thường bị táo bón, đầy bụng. Để tránh tình trạng này, chế độ ăn cho bà bầu nên bổ sung nhiều chất xơ và tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hóa.

Như vậy, trong hành trình 9 tháng mang thai, có những giai đoạn mẹ bầu không cần tăng khẩu phần so với bình thường mà nên chú trọng đến nhóm chất bổ sung. Ngoài ra, với những mẹ bầu có nhiều nguy cơ trong thai kỳ, mẹ bầu ăn chay…, chế độ dinh dưỡng thai kỳ còn cần “thiết kế” kỹ càng, chi tiết theo từng tuần để vừa đảm bảo sức khỏe cho mẹ, vừa giúp thai nhi phát triển tốt nhất.